TÔI TIN KÍNH CHÚA GIÊSU KITÔ 

 

“Tôi Tin Kính Chúa Giêsu Kitô là Con Một Chúa Cha”

 

 

89.  Tên “Giêsu” nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Con trẻ được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria được gọi là “Giêsu”, “vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi” (Phúc Âm Thánh Mathêu 1:21): “Dưới gầm trời này chúng ta chỉ được cứu rỗi bởi một tên, ngoài ra không còn một tên nào khác” (Sách Tông Vụ 4:12). (452)

 

90.  Danh xưng “Kitô” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, là “Đấng Thiên Sai”. Chúa Giêsu là Đức Kitô vì “Thiên Chúa đã xức dầu Thánh Linh và quyền năng cho Giêsu Nazarét” (Sách Tông Vụ 10:38). Người là Đấng phải đến (Phúc Âm Thánh Luca 7:19), là đối tượng “trông mong của dân Yến-Duyên” (Tông Vụ 28:20). (453)

 

91.  Tước hiệu “Con Thiên Chúa” là tước hiệu nói lên mối liên hệ vĩnh hằng độc nhất của Chúa Giêsu Kitô với Thiên Chúa là Cha của Người: Người là Con duy nhất của Chúa Cha (xem Phúc Âm Thánh Gioan 1:14, 18; 3:16, 18) và là Chính Thiên Chúa (như vừa dẫn 1:1). Là Kitô hữu thì cần phải tin Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa (xem Sách Tông Vụ 8:37; Thư 1 Thánh Gioan 2:23). (454)

 

92.  Tước hiệu “Chúa” là tước hiệu nói lên thượng quyền thần linh. Tuyên xưng hay kêu cầu Đức Giêsu là Chúa tức là tin vào thần tính của Người. “Không ai có thể nói ‘Giêsu là Chúa’ nếu không có Thánh Thần ở với” (Thư 1 gửi giáo đoàn Côrintô 12:3). (455)

 

 

“Bởi phép Chúa Thánh Thần mà Người

được chịu thai sinh bởi Đức Maria Đồng Trinh”

 

 

Con Thiên Chúa làm người

 

93.  Vào thời điểm Thiên Chúa ấn định, Người Con duy nhất của Chúa Cha, là Lời hằng hữu, là Lời của Cha và là Hình Ảnh đồng bản thể của Cha, đã nhập thể: Người đã mặc lấy bản tính nhân loại mà không mất đi bản tính thần linh của mình. (479)

 

94.  Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là con người thật, trong sự hiệp nhất Ngôi Vị thần linh của Người; vì lý do này Người là Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. (480)

 

95.  Chúa Giêsu Kitô có hai bản tính, thần tính và nhân tính, không lẫn lộn, nhưng hiệp nhất trong Ngôi Vị duy nhất của Con Thiên Chúa. (481)

 

96.  Là Thiên Chúa thật và là con người thật, Chúa Kitô có lý trí và ý muốn con người, hoàn toàn hòa hợp và thuận phục lý trí và ý muốn thần linh của Người, lý trí và ý muốn Người cùng có với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. (482)

 

97.  Bởi thế, Nhập Thể là mầu nhiệm hiệp nhất diệu kỳ giữa thần tính và nhân tính nơi Ngôi Vị duy nhất của Lời. (483)

 

“Bởi phép Chúa Thánh Thần mà Người

được chịu thai sinh bởi Đức Maria Đồng Trinh”

 

98.  Trong số con cháu Evà, Thiên Chúa đã chọn Trinh Nữ Maria để làm Mẹ Con Ngài. Được “đầy ơn phúc”, Đức Maria là “hoa trái tuyệt hảo nhất của ơn cứu chuộc” (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh: 103): từ giây phút vừa đầu thai, Người đã hoàn toàn được gìn giữ khỏi tì vết nguyên tội và luôn tinh tuyền khỏi mọi tư tội suốt cả cuộc sống của Người. (508)

99.  Đức Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa”, vì Người là mẹ của Người Con hằng hữu làm người của Thiên Chúa, một Người Con là chính Thiên Chúa. (509)

 

100.          Đức Maria “vẫn trinh nguyên khi thụ thai Con của Người, trinh nguyên khi hạ sinh Con, trinh nguyên khi bồng bế Con, trinh nguyên khi cho Con bú sữa của mình, lúc nào cũng trinh nguyên” (Thánh Âu-Quốc-Tinh, Serm. 186, 1: PL 38, 999): Người là “tôi tớ Chúa” (Phúc Âm Thánh Luca 1:38) bằng cả con người của mình. (510)

 

101.          Trinh Nữ Maria “cộng tác vào ơn cứu độ loài người bằng đức tin và đức tuân phục tự nguyện” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân: 56). Người đã thưa vâng “nhân danh toàn thể bản tính nhân loại” (Thánh Tôma Aquinas, Tổng Luận Thần Học III, 30, 1). Nhờ đức tuân phục của mình, Người đã trở nên một tân Evà, mẹ của các sinh linh. (511)

 

Các Mầu Nhiệm của Cuộc Đời Chúa Kitô

 

102.          “Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc rao giảng liên tục: những lúc Người thầm lặng, các phép lạ Người làm, các cử chỉ Người tỏ ra, kinh nguyện của Người, tình Người thương dân, cảm tình đặc biệt của Người đối với trẻ nhỏ và người nghèo, việc Người chấp nhận toàn hiến trên Thập Giá để cứu chuộc thế giới và việc Phục Sinh của Người, đều là việc hiện thực hóa lời Người nói và là việc làm hoàn tất Mạc Khải” (Tông Huấn Catechesi Tradendae về Giáo Lý trong Thời Đại Chúng Ta, đoạn 9). (561)

 

103.          Các môn đệ của Chúa Kitô phải nên giống Người cho đến khi Người được hình thành nơi họ (xem Thưðửi giáo đoàn Galata 4:19). “Vì lý do ấy, chúng ta, thành phần phải nên giống như Người, thành phần đã chết với Người và cùng Người Sống Lại, được tham dự vào các mầu nhiệm của đời sống Người cho đến khi chúng ta cùng Người Hiển Trị” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân: 7.4). (562)

 

104.          Là mục đồng hay hiền nhân, thành phần nào cũng chỉ có thể đến được với Thiên Chúa ở trên thế gian này bằng việc bái qùi trước máng cỏ Bêlem và thờ lạy Ngài ẩn thân nơi cái yếu hèn của một con trẻ sơ sinh. (563)

 

105.          Bằng việc vâng phục Mẹ Maria và Thánh Giuse, cũng như bằng việc làm thấp hèn của mình trong thời gian dài ở Nazarét, Chúa Giêsu nêu cho chúng ta mẫu gương sống thánh thiện trong cuộc sống gia đình và việc lao động thường ngày. (564)

 

106.          Từ lúc bắt đầu cuộc sống công khai của mình, khi lãnh nhận phép rửa, Chúa Giêsu đã là một “Người Tôi Tớ” hoàn toàn hiến thân cho công cuộc cứu độ mà Người sẽ hoàn tất bằng “phép rửa” Khổ Nạn của Người. (565)

 

107.          Cuộc cám dỗ trong hoang địa cho thấy rằng Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai khiêm tốn, là Đấng đã chiến thắng Satan bằng việc Người hoàn toàn gắn bó với dự án cứu độ của Chúa Cha. (566)

 

108.          Chúa Kitô đã khai mở Nước trời trên thế gian. “Vương Quốc này đã chiếu giãi trước mắt con người nơi lời nói, các hành động và việc hiện diện của Chúa Kitô” (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 5). Giáo Hội là mầm mống và là khởi đầu của Vương Quốc này. Các chìa khóa của Vương Quốc ấy đã được trao cho Phêrô. (567)

 

109.          Việc Chúa Kitô Biến Hình là để kiên cường đức tin của các tông đồ hướng về cuộc Khổ Nạn của Người: việc tiến lên “núi cao” là để sửa soạn cho việc tiến lên núi Canvê. Chúa Kitô là Đầu của Giáo Hội tỏ ra những gì Thân Thể của Người chất chứa và chiếu tỏa qua các bí tích: đó là “niềm hy vọng vinh quang” (Thư gửi giáo đoàn Côlôsê 1:27; xem Thánh Lêô Cả, Sermo 51, 3: PL 54, 310c). (568)

 

110.          Dù biết mình sẽ phải chết một cách tàn bạo bởi việc các tội nhân chống đối (xem Thư gửi giáo đoàn Do Thái 12:3), Chúa Giêsu cũng vẫn tự nguyện lên Gialiêm. (569)

 

111.          Việc Chúa Giêsu được các con trẻ và thành phần khiêm nhượng trong lòng nghênh đón tiến vào thành Gialiêm tỏ ra cho thấy Vương Quốc của Vị Vua Thiên Sai đã đến, sắp sửa được Người hoàn thành bằng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh Vượt Qua của Người. (570)

 

 

“Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô,

chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá,

chết và táng xác”

 

 

Chúa Giêsu và Dân Yến-Duyên

 

112.          Chúa Giêsu đã không hủy bỏ Lề Luật Núi Sinai mà đã làm cho nó nên trọn (xem Phúc Âm Thánh Mathêu 5:17-19) một cách hoàn hảo (xem Phúc Âm Thánh Gioan 8:46), đến nỗi Người đã tỏ ra cho thấy ý nghĩa tối hậu của nó (xem Phúc Âm Thánh Mathêu 5:33) và đã chuộc lại những vấp phạm đến nó (xem Thư gửi giáo đoàn Do Thái 9:15). (592)

 

113.          Chúa Giêsu đã tôn kính Đền Thờ bằng việc hành hương lên đền thờ vào các ngày lễ Do Thái, và Người cũng yêu mến nơi Thiên Chúa ngự giữa loài người này bằng một tình yêu tha thiết. Đền Thờ là tiền thân cho mầu nhiệm của Người. Khi loan báo Đền Thờ bị hủy hoại là Người tỏ cho thấy cuộc Người bị sát hại và tiến sang một kỷ nguyên mới của lịch sử cứu độ mà Thân Thể Người vĩnh viễn là một Đền Thờ. (593)

 

114.          Việc Chúa Giêsu thi hành những động tác, như tha thứ tội lỗi, nói lên rằng Người là chính Thiên Chúa Cứu Tinh (xem Phúc Âm Thánh Gioan 5:16-18). Một số người Do Thái không nhận ra Thiên Chúa làm người (xem Phúc Âm Thánh Gioan 1:14) đã thấy Người là “một con người xưng mình là Thiên Chúa” (Phúc Âm Thánh Gioan 10:33), và đã luận tội Người là một kẻ lộng ngôn phạm thượng. (594)

 

Chúa Giêsu tử giá

 

115.          “Chúa Kitô đã chết bởi tội lỗi của chúng ta như các lời Kinh Thánh”. (619)

 

116.          Ơn cứu độ của chúng ta bắt nguồn từ tình yêu tự phát của Thiên Chúa đối với chúng ta, vì “Ngài đã thương yêu chúng ta và đã sai Con Ngài đến để làm tế vật đền bù thay cho tội lỗi của chúng ta” (Thư 1 Thánh Gioan 4:10). “Thiên Chúa ở nơi Đức Kitô hòa giải thế gian với chính mình Ngài” (Thư 2 gửi giáo đoàn Côrintô 5:19). (620)

 

117.          Chúa Giêsu đã tự nguyện hiến mình vì phần rỗi của chúng ta. Trong bữa tối sau hết, Người đã biểu hiện và hiện thực trước việc hiến mình của Người: “Đây là mình Thày sẽ bị nộp vì các con” (Phúc Âm Thánh Luca 22:19). (621)

 

118.          Việc cứu chuộc của Chúa Kitô là ở chỗ Người “đã đến để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Phúc Âm Thánh Mathêu 20:28), tức là, Người “đã yêu thương (thành phần thuộc về mình) đến cùng” (Phúc Âm Thánh Gioan 13:1), để họ được “cứu khỏi những lối sống hư hỏng của cha ông họ” (Thư 1 Thánh Phêrô 1:18). (622)

 

119.          Bằng việc kính mến tuân phục Chúa Cha “cho đến chết dù chết trên thập gía” (Thư gửi giáo đoàn Philiphê 2:8), Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ vụ đền bồi (xem Tiên Tri Isaia 53:10) của một Người Tôi Tớ thương đau, Đấng “làm cho nhiều người nên công chính và gánh lấy những lỗi tội của họ nơi chính Mình” (Tiên Tri Isaia 53:11; xem Thư gửi giáo đòan Rôma 5:19). (623)

 

Chúa Giêsu Kitô chịu táng xác

 

120.          Vì lợi ích của mọi người, Chúa Giêsu Kitô đã nếm cái chết (xem Thư gửi giáo đoàn Do Thái 2:9). Thực sự Con Thiên Chúa làm người đã chết đi và đã được mai táng. (629)

 

121.          Trong thời gian Chúa Kitô ở trong mồ, ngôi vị thần linh của Người vẫn tiếp tục mặc lấy cả linh hồn lẫn xác thể của Người đã bị phân ly bởi sự chết. Thế nên thân xác của Chúa Kitô tử nạn “đã không bị hư hoại” (Sách Tông Vụ 13:37). (630)

 

“Xuống ngục tổ tông;

ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại”

 

 

Chúa Kitô xuống âm phủ

 

122.          Khi nói đến việc “Người đã xuống âm phủ”, Tin Kinh Kính Các Thánh Tông Đồ tuyên xưng rằng Chúa Giêsu thực sự đã chết và nhờ cái chết vì chúng ta Người đã chiến thắng sự chết và ma qủi, “kẻ nắm quyền lực sự chết” (Thư gửi giáo đoàn Do Thái 2:14). (636)

 

123.          Chúa Kitô tử nạn đã đi vào cõi của kẻ chết bằng linh hồn nhân loại được hiệp nhất với ngôi vị thần linh của Người. Người đã mở cửa trời cho kẻ công chính  qua đi trước Người. (637)

 

Ngày thứ ba Người sống lại từ trong kẻ chết

 

124.          Đức tin nơi mầu nhiệm Phục Sinh hướng đến đối tượng của mình là biến cố được các vị môn đệ, thành phần đã thực sự gặp gỡ Đấng Sống Lại, chứng thực theo như lịch sử. Biến cố này đồng thời cũng là một biến cố siêu việt nhiệm mầu, ở chỗ nhân tính của Chúa Kitô tiến vào Vinh Quang Thiên Chúa. (656)

 

125.          Ngôi mộ trống và các khăn vải còn lưu lại đó tự chúng nói lên rằng thân xác của Chúa Kitô đã thoát khỏi những ràng buộc của sự chết và hư hoại nhờ quyền phép của Thiên Chúa. Chúng chuẩn bị cho các môn đệ để được gặp gỡ Chúa Phúc Sinh. (657)

 

126.          Chúa Kitô, “trưởng tử của kẻ chết” (Thư gửi giáo đoàn Côlôsê 1:18), là nguyên lý cho việc chúng ta sống lại, ngay lúc này đây nơi việc công chính hóa linh hồn chúng ta (xem Thư gửi giáo đoàn Rôma 6:4), và một ngày kia nơi sự sống mới Người sẽ ban cho thân xác của chúng ta (cùng nguồn vừa dẫn 8:11). (658)

 

 

“Lên trời ngự bên hữu Chúa Cha”

 

 

127.          Cuộc lên trời của Chúa Kitô đánh dấu việc nhân tính Chúa Giêsu sau cùng đã tiến vào thượng giới của Thiên Chúa là nơi từ đó Người sẽ lại đến (xem Sách Tông Vụ 1:11), song trong khi chờ đợi thì Người ẩn khuất trước con mắt loài người (xem Thư gửi giáo đoàn Côlôsê 3:3). (665)

128.          Chúa Giêsu Kitô là đầu của Hội Thánh đã đi trước chúng ta vào Vương Quốc hiển vinh của Cha, để chúng ta là các chi thể của Thân Mình Người được sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được ở cùng Người muôn đời. (666)

 

129.          Khi đã vào cung thánh trên trời một lần vĩnh viễn, Chúa Giêsu Kitô liên lỉ cầu bầu cho chúng ta như một vị trung gian, Đấng luôn luôn tuôn đổ Chúa Thánh Thần xuống để bảo đảm với chúng ta. (667)

 

 

“Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”

 

 

130.          Qua Hội Thánh Chúa Kitô đã trị vì, thế nhưng tất cả mọi sự trên thế gian này vẫn chưa qui thuận Người. Vương quốc của Chúa Kitô sẽ không khải hoàn vinh thắng nếu không có cuộc tấn công cuối cùng của các quyền lực sự dữ. (680

 

131.          Vào Ngày Phán Xét là lúc tận thế, Chúa Kitô sẽ đến trong vinh quang để mang lại thắng lợi vĩnh viễn  cho sự lành trên sự dữ là những gì, như lúa và cỏ lùng, cùng mọc lên theo giòng lịch sử. (681)

 

132.          Khi đến phán xét kẻ sống và kẻ chết vào thời gian sau cùng, Chúa Kitô vinh hiển sẽ tỏ ra cho thấy các tâm trạng bí mật của cõi lòng con người và sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc lành họ làm cũng như tùy theo việc họ chấp nhận hay chối từ ân sủng. (682)